Xác tín Thanh_giáo

Nguyên lý trọng tâm của Thanh giáo là quyền tể trị của Thiên Chúa trên mọi diễn biến xảy ra trong lịch sử loài người, nhất là trong hội thánh. Nguyên lý này được trình bày trong Kinh Thánh. Do đó, mỗi cá nhân và toàn thể hội thánh cần phải sống và hành xử theo giáo huấn của Kinh Thánh, tìm kiếm sự thánh khiết trong nếp sống đạo đức, cũng như sự tinh tuyền trong hội thánh đến mức độ cao nhất.

Các lý tưởng xã hội của người Thanh giáo bắt nguồn từ giáo huấn của Kinh Thánh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến vai trò của phụ nữ và nam giới trong cộng đồng. Để trở nên thuộc viên của hội thánh, theo quan điểm Thanh giáo, không chỉ cần theo đuổi nếp sống tin kính và hiểu biết đầy đủ về các nguyên lý căn bản của đức tin Cơ Đốc mà còn cần có những trải nghiệm về dấu chứng của ân điển Thiên Chúa tác động đến linh hồn của tín hữu. Chỉ có những người có thể trình bày các chứng cứ hiển nhiên về trải nghiệm qui đạo của mình mới được chấp nhận là thuộc viên của hội thánh.

Về trải nghiệm cá nhân, Thanh giáo dạy rằng bởi ân điển của Chúa mỗi người cần được tiếp tục đổi mới luôn, hầu có thể tranh đấu với bản thân chống lại áp lực của tội lỗi mỗi ngày, để có thể theo đuổi nếp sống công chính đẹp lòng Chúa. Mỗi tín hữu Cơ Đốc cần phải sống kiêm nhường và tuân phục Chúa. Văn hóa Thanh giáo nhấn mạnh đến nhu cầu tự xét mình, nghiêm khắc tự tra xét mọi hành vi và cảm xúc trong đời sống hằng ngày. Đây cũng là nguyên lý trọng tâm của trải nghiệm Tin Lành. Một đặc điểm khác của văn hóa Thanh giáo là phụ nữ được xem là nhân tố chính trong nỗ lực bảo vệ và duy trì các giá trị gia đình.

Về giáo nghi, người Thanh giáo tin rằng sự thờ phượng trong nhà thờ cần được qui chuẩn nghiêm nhặt. Lễ thờ phượng trong các nhà thờ Thanh giáo thường chú trọng đến tính đơn giản, và hạn chế đến mức tối đa các nghi thức,[2] với tâm điểm là phần luận giải Kinh Thánh. Giống thời kỳ các giáo phụ, người Thanh giáo hạn chế việc sử dụng các loại nhạc cụ trong lễ thờ phượng. Tuy nhiên, họ yêu thích và khuyến khích sự phát triển âm nhạc trong đời sống thường nhật.

Một đặc điểm quan trọng khác của Thanh giáo là quan điểm của họ về mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước. Họ chống đối tư tưởng Anh giáo về sự kiểm soát của vương quyền đối với giáo hội. Theo Calvin, chỉ có Chúa Cơ Đốc là Đầu của hội thánh, trên trời và dưới đất (không phải Giáo hoàng, cũng không phải vương quyền). Tuy nhiên, họ tin rằng các bậc cầm quyền phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa nhằm thực thi quyền lực để bảo vệ, khuyến khích, và ban thưởng những người theo đuổi nếp sống đức hạnh, trong đó có "đạo thật", và trừng phạt kẻ ác – lập trường này nên được miêu tả như là không can thiệp hơn là phân lập giữa giáo hội và nhà nước.

Các xác tín khác của Thanh giáo gồm có:

  • Quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng tập quán nghiên cứu Kinh Thánh hằng ngày của mỗi tín hữu.
  • Tập chú vào nỗ lực giáo dục và khai sáng mọi người (nhất là để mỗi người có thể tự đọc Kinh Thánh)
  • Quyền tư tế của mỗi tín hữu (mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa, và tiếp nhận sự cứu rỗi mà không cần thông qua giai cấp trung gian).
  • Tính đơn giản trong thờ phượng, không sử dụng lễ phục, ảnh tượng, nến...
  • Không cử hành những ngày lễ truyền thống, vì họ tin rằng điều này vi phạm các nguyên tắc thờ phượng của Thanh giáo.
  • Giữ ngày Sabbath là bổn phận của mọi tín hữu. Người Thanh giáo tin rằng ngày Sabbath của hội thánh là Chúa nhật.
  • Một số người Thanh giáo ủng hộ hệ thống tăng lữ trong giáo hội, nhưng đa phần theo đuổi mục tiêu cải tổ các giáo hội theo thể chế Giám mục sang mô hình trưởng lão. Nhiều người Thanh giáo chấp nhận thể chế tự trị giáo đoàn.

Bên cạnh chủ trương khuyến khích nền giáo dục phổ thông dành cho tín hữu, người Thanh giáo đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo về học thuật cho các mục sư, để họ có thể đọc Kinh thánh trong nguyên văn tiếng Hi Lạp, tiếng Hebrew, hoặc tiếng Aram, am tường về truyền thống hội thánh cổ đại và đương đại, cũng như các môn học liên quan. Phần lớn các nhà thần học Thanh giáo đều trải qua giai đoạn nghiên cứu nghiêm túc ở các học viện nổi tiếng như Đại học OxfordĐại học Cambridge trước khi nhận lãnh thánh chức.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thanh_giáo http://www.apuritansmind.com/MainPage.htm http://www.historynet.com/the-puritan-migration-al... http://www.monergism.com/directory/link_category/P... http://www.puritansermons.com/ http://www.reformedsermonarchives.com/ http://www.nd.edu/~rbarger/www7/puritans.html http://dwardmac.pitzer.edu/Anarchist_Archives/gold... http://www.wfu.edu/~matthetl/perspectives/two.html http://web.archive.org/19981206163021/members.aol.... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Purita...